VinSmart ngừng sản xuất điện thoại ! Tập trung vào Vinfast? - 126.vn

VinSmart ngừng sản xuất điện thoại ! Tập trung vào Vinfast?

11/08/2021 517 lượt xem

Với việc VinSmart tuyên bố dừng nghiên cứu, sản xuất điện thoại di động, thị trường Việt gần như không còn thương hiệu nội nào có thể cạnh tranh với các đối thủ ngoại ngay trên “sân nhà”.

Sự khốc liệt thị trường điện thoại di động còn mạnh hơn do tác động của đại dịch COVID-19, khiến nguồn cung các nguyên vật liệu để sản xuất các linh kiện điện tử trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó còn nhiều lý do ít được nói ra.

Thương hiệu Việt dần rơi rụng

Nguyên nhân việc VinSmart dừng cuộc chơi smartphone, theo chia sẻ của ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup: “Việc sản xuất điện thoại hoặc tivi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng”. 

Đáng tiếc là VinSmart dừng sản xuất smartphone khi chỉ sau gần 3 năm, hãng đã từng chiếm lĩnh top 3 thị phần smartphone Việt Nam và được vinh danh trở thành thương hiệu điện thoại Việt xuất sắc nhất Tech Awards 2020, thành một trong những thương hiệu được yêu thích nhất Việt Nam.

Thực tế, nhiều nhà sản xuất khác cũng mang nhiều tham vọng khi gia nhập thị trường điện thoại thông minh nhưng sau đó dừng bước. Trước VinSmart, thương hiệu smartphone khác của Việt Nam là Mobiistar đã rời khỏi thị trường không một lời tuyên bố dù họ đang có chỗ đứng trên thị trường. 

Thời điểm cuối cùng họ công bố ra mắt smartphone là tháng 8-2018 với sản phẩm có tên gọi Mobiistar X. Khoảng 5-6 năm trước đó, họ là một tên tuổi hàng đầu trong các thương hiệu smartphone Việt. Nhiều sản phẩm của Mobiistar từng lọt vào top các sản phẩm được người dùng ưa chuộng, có lượng hàng tiêu thụ tương đối cao.

Nhiều thương hiệu smartphone Việt khác cũng dần đi vào “lặng lẽ” như: Q-Mobile, F-mobile, Masstel, Hkphone, Bavapen… Đây đều là những thương hiệu một thời nổi đình nổi đám trong giai đoạn chuyển giao từ điện thoại phổ thông sang smartphone.

Hiện tại, theo nhiều chuyên gia, thương hiệu smartphone Việt trên thị trường chỉ còn duy nhất Bphone của Bkav. 

Tuy nhiên, dù những lần ra mắt sản phẩm mới của công ty này luôn “gây bão” trên cộng đồng mạng nhưng các smartphone Bphone vẫn chưa lần nào có lượng tiêu thụ sản phẩm lọt vào hàng top ở Việt Nam. Bên cạnh Bkav, một số doanh nghiệp nội khác cũng làm smartphone như: Viettel, VNPT Technology… nhưng các sản phẩm của họ chưa gây được sự chú ý lớn trên thị trường.

Cũng tại… Covid-19

Sự rút lui bất ngờ của VinSmart trên thị trường smartphone khiến đông đảo người dùng lẫn các chuyên gia trong ngành sốc và tiếc một thương hiệu Việt đang phát triển nhanh và mạnh. Tuy nhiên, sự rút lui của VinSmart cũng cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường smartphone.

Theo một số chuyên gia, sự khốc liệt đang mạnh hơn do tác động của đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu. Dịch bệnh khiến nguồn cung nguyên vật liệu để sản xuất các linh kiện điện tử trở nên khan hiếm. 

Tốc độ sản xuất các linh kiện như bộ vi xử lý (chip) chậm chạp. Từ đó diễn ra cuộc cạnh tranh gom hàng giữa các hãng công nghệ, điện tử trên toàn cầu. 

Những đơn hàng lớn đương nhiên thuộc về các “ông trùm” Apple, Samsung, hoặc các hãng của Trung Quốc có thể liên kết lại gom đơn hàng, thâu tóm nguồn cung linh kiện trên thị trường toàn cầu. 

Từ đó gián tiếp “đánh mạnh” vào các thương hiệu lớn nhưng đơn lẻ và đông đảo thương hiệu nhỏ vốn phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác bên ngoài.

Dù vài năm gần đây, một số doanh nghiệp đã có những đầu tư mạnh mẽ vào nhiều khâu, nhưng nhìn chung vẫn còn phải phụ thuộc rất nhiều. Điều đó khiến chúng ta mất tự chủ trong quy trình sản xuất điện thoại và phải chấp nhận lệ thuộc.

Khó cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, Việt Nam là một thị trường mở nên việc cạnh tranh về giá là vô cùng khốc liệt giữa các hãng điện thoại “tham chiến”. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá bán của một chiếc smartphone tại Việt Nam ngoài giá thành của nhà sản xuất còn phải cộng thêm phí cho nhà phân phối (có thể lên đến 30%). Bên cạnh đó là chi phí cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo… nên thường sẽ bị đội giá lên khá cao.

Trong khi đó, các thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, có quy mô sản xuất và thị trường rộng lớn, nên lợi thế hơn về giá. 

Thậm chí nhiều hãng ngoại còn có hẳn các thương hiệu “con” giúp họ dễ dàng trong việc luân phiên sản phẩm cũng như linh hoạt giá theo từng thời điểm cho từng thị trường cụ thể. 

Trong khi đó, hầu hết các thương hiệu Việt chủ yếu tập trung thị trường trong nước nên hoặc phải bán giá cao hoặc chấp nhận bù lỗ để bán được hàng.

Nguồn: Tuoitre.vn

Vui lòng viết nhận xét của bạn.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *